Hiến xác cho y học từ lâu đã được xem là nghĩa cử vô cùng cao đẹp, khi nó có thể đem lại sự sống cho những người khác. Tuy nhiên ở Việt Nam nét văn hóa này vẫn còn hạn chế do vẫn còn e ngại về gia đình và các thủ tục. Thế nhưng khi nhìn ở một góc độ khác, việc đăng ký hiến tặng sau khi qua đời chính là cách bạn đã cứu sống hàng chục sinh mạng khác.
Theo thống kê của một số cơ quan tổ chức có uy tín như thư viện Y học quốc gia Mỹ, các cơ quan nội tạng sau khi hiến có thể được lưu trữ bao gồm: Thận, trái tim, phổi, tuyến tụy, ruột, da, giác mạc… Do đó, nếu một người hiến xác có thể cải thiện hoặc cứu sống ít nhất 50 người khác.Thống kê vào năm 2013 trên trang OrganDonor cũng cho thấy, có 28.954 người đã được cấy ghép nội tạng hiến tặng. Tại Việt Nam ngày nay cũng có rất nhiều gia đình quyết định và ủng hộ cho việc hiến xác, điển hình cho nét sống đẹp và nghĩa cử cao cả đó chính là vợ chồng cô Duyên tại tỉnh Sóc Trăng dưới đây.
Cô Duyên và “cơ duyên” quyết định hiến xác cho khoa học
Đó là câu chuyện vô cùng cảm động và đầy tính nhân văn của cô Ngô Thị Xuân Duyên cùng chồng là Trần Anh Tuấn, ngụ số nhà 7/2 Võ Thị Sáu, P.3, TP.Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ, cô Xuân Duyên (cựu giáo viên môn văn, Trường THCS Lê Hồng Phong, TP.Sóc Trăng) cho tôi biết cơ duyên khiến cả hai vợ chồng đi đến quyết định hiến xác cho khoa học.
“Vợ chồng tôi thường đọc báo, thấy những bài báo đăng về vấn đề hiến xác cho ngành y để các bác sĩ tương lai thực hành, thực tập… Vì thiếu xác thực hành nên nhiều bài phải dạy “chay”, chất lượng dạy và học chưa cao. Tôi nghĩ nếu sau này mình “trăm tuổi”, nếu đem mai táng hoặc thiêu thì sẽ hết! Chi bằng tình nguyện hiến xác cho y học, để sinh viên ngành y có xác thực hành. Mình chết nhưng vẫn còn có chút ít tấm lòng giúp đời, giúp khoa học. Tôi tâm niệm vừa giúp ích cho đời, vừa nhẹ cho con mình trong việc thờ tự, cúng bái sau này.
Sự ủng hộ của chồng và cả gia đình
Bởi thân cát bụi lại trở về cát bụi và cũng có người từng quan niệm: “Lợi danh như áng mây chìm nổi/Chỉ có tình thương để lại đời”… Sau khi hỏi ý kiến chồng, anh ủng hộ ngay tức thời. Dường như trong suy nghĩ của anh đã ấp ủ điều này từ lâu: “Em nghĩ sao thì anh cũng nghĩ vậy!”. Tôi hỏi ý kiến cha mẹ chồng thì cả hai cũng vui vẻ: “Con nghĩ sao cứ làm vậy giúp đời”. Hỏi ý kiến hai con (hai cháu đã trưởng thành, đều có gia đình, có việc làm ổn định); thì hai con lúc đầu không đồng ý vì thương ba mẹ”, cô Duyên kể.
Cô Xuân Duyên đã thuyết phục bằng tình cảm người mẹ; bằng tấm lòng bao dung, rộng mở phân tích cho hai con thấy ý nghĩa của việc hiến xác; và nên coi đó là việc nhẹ nhàng bình thường trong cuộc sống. Họ hàng hai bên nội ngoại, anh em, bạn bè đều ủng hộ việc làm này. “Được lời như cởi tấm lòng”, hai vợ chồng lên Trường đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang); làm thủ tục hiến xác sau này và được cấp “Thẻ hiến thi hài”.
Những việc làm của cô sau khi chồng mất
Chồng cô Xuân Duyên chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo và mất ngày 10.9.2018. Thể theo nguyện vọng của ông lúc còn sống; gia đình đã liên hệ Trường đại học Võ Trường Toản để hiến xác. Với nghĩa cử cao đẹp của vợ chồng cô Xuân Duyên; đã có nhiều người noi gương, hỏi thăm việc đăng ký hiến thi hài cho khoa học. Ngoài sắp xếp công việc gia đình, cô thường xuyên đóng góp tiền, gạo, nhu yếu phẩm; cho các bếp ăn từ thiện trong bệnh viện đa khoa. “Những đóng góp nhỏ thôi nhưng nhiều gió góp thành bão; để có bữa cơm ấp áp tình người cho bệnh nhân nghèo.
Thấy họ vui là tôi và mọi người cùng vui, cùng cảm thấy hạnh phúc”, cô Duyên tâm sự. Chia tay cô, người đồng nghiệp giàu ý chí, nghị lực sống và nhân nghĩa; tôi chợt nhớ tới câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:
“Ôi! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn?
Bữa cơm dù dưa muối đầy vơi
Chân lý chẳng bao giờ đổi bán
Tình thương vô hạn để cho đời”.
Nguồn: Thanhnien.vn