Để cho ra đời một công trình độc đáo như Wall House đó chính là sự kết hợp giữa sự táo bạo, gu thẩm mỹ từ gia chủ và sức sáng tạo không ngừng của các chuyên gia thiết kế. Theo nghiên cứu thì chất lượng không khí trong nhà ô nhiễm hơn không khí bên ngoài, chính vì vậy ý tưởng về một công trình có thể thở 24/24 được ra đời. Wall House khai thác tối đa từ một chất liệu đơn giản thường thấy hàng ngày, hình thành nên một khối không gian chung tạo thành bức tường thở.
Chính các mảng tường thở, kết hợp với không gian xanh, xen kẽ cùng giếng trời đã tạo ra nét đặc trưng cho công trình này. Cùng chuyên mục nhà đẹp tìm hiểu kỹ hơn về công trình thiết kế độc đáo, sáng tạo này, biết đâu bạn sẽ có một ý tưởng riêng cho căn nhà của chính mình.
Nâng tầm chất lượng sống
Wall House hay còn gọi là “nhà thở” ở Biên Hòa, Đồng Nai là một ngôi nhà độc đáo từng được nhiều tạp chí kiến trúc quốc tế uy tín đưa tin. Ngôi nhà nằm trên khu đất rộng khoảng 1.000 m2; dành cho 2 thế hệ của một gia đình gồm ông bà nội, bố mẹ và hai con.
Nhóm kiến trúc sư thiết kế Wall House cho biết: “Chủ nhà không có yêu cầu khắt khe nào về mặt hình thức; mà chỉ cần đảm bảo không gian sống cần phải sáng sủa và thoáng mát”.
Các mảng tường “tự thở” và không gian giếng trời xen kẽ kết hợp những khoảng xanh. Yếu tố này giúp không khí trong nhà luôn mát mẻ và đón ánh sáng tự nhiên chan hòa.
Khơi nguồn ý tưởng cho ngôi nhà tự thở 24/7
Khu đất xây dựng là một trong những mảnh vườn lớn hiếm hoi còn sót lại trong thành phố Biên Hòa, nằm cạnh sông Đồng Nai. Do đó, đội ngũ thiết kế đã đặt ngôi nhà về một góc vườn nhằm làm giảm tác động lên hệ thống cây xanh hiện hữu; cũng như giữ cảnh quan ven sông.
“Theo các nghiên cứu khoa học được công bố gần đây, chất lượng không khí trong nhà ô nhiễm hơn rất nhiều so với không khí bên ngoài. Chính vì thế, khi làm việc với chủ nhà, chúng tôi đã bàn rất nhiều về ý tưởng một công trình có thể tự thở 24/7″ – đại diện nhóm thiết kế nói thêm.
Tận dụng tối đa hiệu ứng từ vật liệu thường ngày
Để hiện thực quá ý tưởng về một “ngôi nhà tự thở”, kiến trúc sư đã quyết định xây dựng phần lớn ngoại thất nhà bằng loại gạch lỗ. Gạch được xếp ngược hướng với phương pháp xây thông thường. Với cách sắp xếp như vậy, các lỗ gạch tạo ra miệng gió để không khí trong lành và ánh sáng tự nhiên tràn vào từ bên ngoài.
Gạch được tận dụng cả những viên lỗi, cháy. Tạo nên mảng màu sáng tối tương phản độc đáo trên những bức tường thở. Nhờ vậy, những sản phẩm lỗi trong quá trình sản xuất một lần nữa hồi sinh trong hình hài mới. Thật sự hài hòa và thân thiện hơn với môi trường.
Mảng tường thở đan xen khoảng giếng trời
Các mảng tường thở và khoảng giếng trời xen kẽ giúp các khối phòng tăng ánh sáng. Không khí lưu thông, trao đổi liên tục; kết hợp cây xanh làm dịu mát môi trường sống. Nhờ vậy, không khí trong nhà luôn mát mẻ và ánh sáng chan hòa. Hầu như không cần sử dụng quạt máy, điều hòa và đèn điện chiếu sáng ban ngày.
Trong nhà được bố trí nhiều khoảng xanh tạo cảm giác được sống trong một không gian vườn trong vườn. Ở bên trong nhưng vẫn kết nối được vườn quanh nhà; giúp tăng sự gần gũi, gắn bó với mảnh đất nơi mình sinh sống.
Không gian sinh hoạt trong nhà được thiết kế dạng mở, kết nối với nhau bằng những khoảng đệm. Khu sinh hoạt chung rộng rãi được chiếu sáng bởi hai cửa sổ lớn đón ánh sáng tự nhiên.
Không gian sống tách biệt
Tầng hai của ngôi nhà có lan can với cầu thang kim loại đen với tầm nhìn xuống tầng trệt; giúp mọi người dễ dàng nhìn thấy nhau hơn, tăng sự tương tác và kết nối.
Bếp được thiết kế mở với nội thất bằng gỗ tối màu tạo sự đồng điệu với cảnh quan xung quanh. Ngồi trong bếp từ quầy bar, chủ nhà có thể nhìn thẳng ra khu vườn nhỏ phía trước. Đây là nơi các thành viên trong gia đình vừa thưởng thức những món ăn ngon cùng nhau; vừa tận hưởng không khí trong lành từ thiên nhiên.
Bước vào căn nhà này, ta như có cảm giác đến một không gian khác. Cách biệt với thành phố sôi động bên ngoài; được sống giữa thiên nhiên và tận hưởng đúng nghĩa.
Nguồn: Dantri.com.vn