Trong tiếng Anh có một từ để chỉ các cổ động viên quá khích. Đó là: Hooligan. Cho dù từ bắt nguồn từ Anh, nó đã trở thành vấn nạn trên toàn thế giới. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Những tên Hooligan quá khích đã làm xấu mặt người hâm mộ bóng đá. Điển hình phải kể đến CĐV quá khích Nam Định và Hải Phòng. Cho dù bị lên án bởi cả các câu lạc bộ, những tên CĐV quá khích vẫn bỏ ngoài tai.
Vụ việc diễn ra ở SVĐ Hàng Đẫy đã được đem xét xử hôm 19 tháng 5 năm 2019. Bản án dành cho kẻ phạm tội là hình phạt 4 năm tù giam. Đây là lời cảnh cáo đanh thép cho những hành vi xấu xí phi thể thao. Chính quyền đã tỏ rõ thái độ sẽ không nương tay và nhượng bộ. Không có sự khoan hồng dành cho các hành vi quá khích trong cổ động bóng đá.
Vụ CĐV quá khích trên sân Hàng Đẫy
Vũ Trung Trực (36 tuổi) cùng với hai bị cáo khác là Trần Văn Sùng (25 tuổi), Trần Đắc Chương (19 tuổi) đã bị Tòa án Nhân dân quận Đống Đa (Hà nội) tuyên phạt các mức án lần lượt là 4 năm tù, 8 tháng tù và 6 tháng tù. Họ là những cổ động viên của CLB bóng đá Nam Định, bị “xộ” khám vì những hành vi quá khích.
Thay vì bày tỏ sự hâm mộ bằng hành động cổ vũ lành mạnh, Vũ Trung Trực đã đốt pháo sáng trên sân gây ra thương tích cho người khác, còn Sùng và Chương thì chống người thi hành công vụ với hành động dùng tay đánh, chân đạp, quăng chai nước vào cảnh sát cơ động. Mức án trên, có thể nói là thích đáng với cả 3 bị cáo, và cũng có tính răn đe mạnh mẽ đối với các cổ động viên bóng đá nói chung.
Thiệt hại gây ra bởi cổ động bóng đá quá khích
Không ai cấm bày tỏ tình yêu với một đội bóng xuất phát từ sở thích, tình yêu với bóng đá. Nhưng cách bày tỏ, cổ vũ phải văn minh. Và trên hết là trong khuôn khổ của luật pháp. Các hành động cổ vũ bóng đá, đội bóng yêu thích một cách lành mạnh luôn được đề cao. Còn ngược lại, không ai dung túng cho việc lợi dụng cổ vũ bóng đá để thực hiện hành vi đi quá giới hạn. Các hành động trái pháp luật cho phép, gây nguy hiểm đến sức khỏe thậm chí đến tính mạng của người khác phải nghiêm trị.
Từ một hành vi cổ vũ quá khích của Trực, một nữ cổ động viên dính quả pháo sáng. Cô đã bị bỏng lưu huỳnh vào tận xương. Nạn nhân phải phẫu thuật 2 lần, dẫn đến thương tật vĩnh viễn 12%. Từ hành vi quá khích của Sùng, Chương mà một số chiến sĩ cảnh sát cơ động đã bị thương. Tất cả chỉ vì sự chống đối của các bị cáo khi bị khống chế.
Giải đấu và BTC sân cũng bị ảnh hưởng
Những hành vi của Vũ Trung Trực, Trần Văn Sùng, và Đắc Chương đã để lại hậu quả. Chúng khiến trận đấu giữa CLB Hà Nội và CLB Nam Định phải tạm ngừng hơn 6 phút để giải quyết vụ việc. Và sau đó thì nhiệt huyết thi đấu của hai đội cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Mùa giải 2019 trên Sân vận động Hàng Đẫy (Hà Nội) đã kém không khí đi nhiều.
Hành động cổ vũ quá khích ở đây đã đến mức côn đồ, nguy hiểm, bất chấp luật pháp. Thói côn đồ kiểu hooligan đã bị thế giới bóng đá nói riêng và thế giới thể thao nói chung lên án. Sự cổ vũ thiếu văn minh, quá khích cũng chính là nguồn gốc của bạo lực sân cỏ.
Khu vực cổ động viên không trật tự thì sân cỏ không thể bình yên. Trận đấu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cổ động viên nói chung sẽ chẳng thể nào cảm thấy yên tâm. Họ chẳng thể thưởng ngoạn trận đấu cho dù có hấp dẫn đến đâu. Ai cũng biết đây Chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Nhưng trong nhiều trường hợp, những “con sâu” này làm hỏng cả một “bữa tiệc” bóng đá.
Nhưng hệ lụy từ những “con sâu” gây ra không dừng lại ở đó. Do chính họ, có những đội bóng, ban tổ chức sân bị phạt. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) từng bị phạt khi pháo sáng xuất hiện trên sân Mỹ Đình. Điều này làm ảnh hưởng lớn tới hình ảnh bóng đá Việt.
Những kiểu cổ vũ thiếu lành mạnh, quá khích, côn đồ không bày tỏ được gì về tình yêu bóng đá. Ngược lại, đó là những hành vi phá hoại bóng đá.
Nguồn: Laodong.vn