Nếu là một người đam mê thiết kế, vừa yêu thích phong cách đơn giản của Nhật Bản và sự lịch lãm hiện đại của Scandinavian thì Japandi sẽ là phong cách mà bạn nên hướng đến. Phong cách Scandinavian mang trong mình hơi hướng đơn giản nhưng vô cùng sang trọng, nhẹ nhàng. Còn Nhật Bản sẽ đặc trưng với chủ nghĩa khổ hạnh, đơn giản. Bởi vì hai xu hướng này đều hướng đến sự tinh tế, đơn giản từ công năng nội thất hơn là chú trọng đến trang trí.
Tinh tế trong cách lựa chọn phong cách Japandi, kiến trúc sư Shanty Wijaya đã thổi hồn vào công trình nhà cũ 100 năm tuổi trở thành một diện mạo hoàn toàn khác. Cùng ghé thăm ngôi nhà độc đáo này qua bài viết về nhà đẹp bên dưới.
Điểm khác biệt giữa 2 phong cách thiết kế
Phong cách Scandinavian và Nhật Bản có nhiều nét tương đồng, nhưng giữa 2 phong cách cũng có 1 số điểm khác biệt như:
Phong cách Scandinavian
Sử dụng đồ nội thất với bề ngoài trau chuốt, được tạo nên từ những đường bo uốn cong, khung vành thanh nhỏ; cùng chất liệu mềm mại, ấm áp. Gam màu chính thường thấy là pastel hoặc màu lặng. Scandinavian thường sử dụng một số chất liệu như: linen, vải bố, sắt hay gỗ sáng màu ( gỗ tếch, sồi hoặc bu-lô).
Phong cách Nhật Bản
Phong cách này lại ưa chuộng những gam màu đậm đà như màu đen hay màu gỗ thẫm. Cùng những vật liệu quen thuộc như gốm thô mộc hay cói.
Kiến trúc sư đã cải tạo ngôi nhà dựa trên sự kết hợp giữa hai phong cách Nhật Bản và Scandinavia (Bắc Âu). Japandi cân bằng hoàn hảo giữa 3 yếu tố đẹp – tối giản – tiện dụng.
Hướng đến tính nghệ thuật và bền vững
Khi lên kế hoạch cải tạo ngôi nhà cũ ở Los Angeles, bang California, Mỹ được xây dựng từ năm 1922. Kiến trúc sư Shanty Wijaya đã có rất nhiều ý tưởng trước khi đi đến quyết định kết hợp hai phong cách yêu thích của cô: Nhật Bản và Scandinavia. Hai phong cách này sở hữu nhiều đặc điểm tương đồng và thường được lấy cảm hứng hay kết hợp lẫn nhau. Nó tạo ra một phong cách mới được gọi là Japandi.
Hướng đến tính nghệ thuật và bền vững từ phong cách Japandi, kiến trúc sư đã biến ngôi nhà cũ trăm tuổi lột xác thành một thiên đường nghệ thuật đẹp đến ngỡ ngàng.
Nội thất tối giản, ngập tràn ánh sáng
Trước khi cải tạo, ngôi nhà ba phòng ngủ trên sườn đồi có thiết kế đơn điệu và nhàm chán. Mặt tiền của ngôi nhà sau khi cải tạo mang phong cách tối giản bền vững, hòa mình cùng thiên nhiên. Ngôi nhà cũ có nhiều ô cửa nhưng không đón được nhiều ánh sáng tự nhiên.
Phòng khách sau khi cải tạo ngập tràn ánh sáng. Nội thất tối giản theo phong cách Bắc Âu; đem đến sự cảm giác an tĩnh tuyệt vời.
Nhà bếp sử dụng chủ yếu nội thất gỗ mộc mạc. Hệ thống cửa sổ và cửa trượt là điểm nhấn giúp không gian thoáng đãng, hòa mình với thiên nhiên. Phòng ăn nổi bật với những tác phẩm nghệ thuật cổ điển, bộ bàn ăn phong cách cổ đem đến tổng thể hoàn hảo.
Chủ nhà có thể ngắm hoàng hôn hoặc vừa đọc sách vừa tắm nắng ở phòng thư giãn; đây cũng là một gợi ý không tồi.
Phòng ngủ được thiết kế theo phong cách tối giản, đón ánh nắng tự nhiên từ bên ngoài. Giường được thiết kế riêng theo cảm hứng lấy từ hình tượng mặt trời lặn.
Phòng tắm với sắc trắng dịu nhẹ, tinh tế; cùng những ô cửa với tầm nhìn ra thiên nhiên bên ngoài. Điều này góp phần làm nổi bật thêm cảnh quan của ngôi nhà.
Thiết kế nhiều mảng xanh
“Chúng tôi mang thiên nhiên vào trong nhà bằng cách thiết kế nhiều mảng xanh. Các loại cây và đá đặc trưng của Nhật Bản như tre, phong hay thông được sắp xếp ở khắp mọi nơi. Bên cạnh đó, cũng có những chi tiết độc đáo tô điểm giúp ngôi nhà trở nên mới mẻ hơn. Ví dụ như những món đồ cổ điển, đồ tái chế và đồ thủ công có một không hai; được sử dụng trong thiết kế nội thất chứ không phải đồ được sản xuất hàng loạt. Đặc biệt phải kể đến mặt bàn bếp được làm từ gỗ cây sồi hoang của Pháp được đẽo thô và mài lại theo yêu cầu riêng.” – Shanty nói.
Ngôi nhà nằm trên sườn đồi với độ dốc khá cao. Vì vậy trước đó nó hầu như không có giá trị sử dụng nhiều.
Khu vườn bậc thang tuyệt đẹp
Kiến trúc sư đã tạo nên một khu vườn bậc thang tuyệt đẹp bao gồm nhiều tầng khác nhau. Mỗi tầng có một chức năng riêng như: hồ nuôi cá Koi, khu nuôi gà, vườn đá kiểu Nhật, bể sục, vườn rau, khu ăn uống ngoài trời hay khu thiền định.
Nơi nghỉ dưỡng bên cạnh bể sục là một thiết kế bổ sung của ngôi nhà này trong đại dịch Covid-19. “Tôi cảm thấy ngôi nhà cần thêm một không gian riêng tư; vừa có thể sử dụng làm văn phòng làm việc là nơi nghỉ dưỡng hay thiền định”, Shanty chia sẻ.
Kiến trúc sư tiết lộ, một trong những điều khó nhất khi cải tạo là định hình phong cách bên ngoài ngôi nhà (mặt tiền); và thiết kế cảnh quan (vườn và cảnh quan ngoài trời).
“Mục tiêu của tôi là tạo ra một ngôi nhà mang đặc trưng của phong cách Japandi; với vẻ ngoài thật sự ấn tượng. Tôi rất vui khi cuối cùng cũng có thể thay đổi cảnh quan và mặt tiền của ngôi nhà. Một trong những chi tiết mà tôi yêu thích nhất là nhà nghỉ dưỡng; đặc điểm tạo thêm sự riêng tư cho ngôi nhà.” – Shanty nói.
Nguồn: Dantri.com.vn